Quy định người nước ngoài mua nhà

Pháp luật quy định người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam khi nào

So với công dân Việt Nam, pháp luật đặt ra khá nhiều quy định hạn chế quyền của người nước ngoài trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt liên quan đến mua bán đất hay nhà ở trên lãnh thổ Việt Nam. Vậy cụ thể người nước ngoài cần có điều kiện gì để có thể mua nhà ở Việt Nam? Thời hạn sở hữu nhà ở Việt Nam là bao lâu?

I. Thế nào là người nước ngoài?

Người nước ngoài được hiểu dựa trên Luật Quốc tịch là người có quốc tịch của một quốc gia khác đang lao động, học tập, công tác, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hiện nay do cơ chế mở cửa, hội nhập, chính vì thế mà người nước ngoài vào định cư tại nước ta tương đối nhiều. Nhu cầu sử dụng đất đai, nhà cửa của đối tượng này cũng tăng cao. Chính vì vậy để không xâm phạm đến lợi ích, chủ quyền quốc gia mà pháp luật đặt ra nhiều quy định đối với người nước ngoài nếu muốn có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam

II. Đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam

Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2014 bao gồm:
Một là, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và pháp luật có liên quan.
Hai là, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Ba là, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Như vậy có thể thấy rằng đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam có thể là cá nhân cũng có thể là tổ chức. Đối tượng này đã được mở rộng hơn rất nhiều so với quy định của Luật cũ trước đây. Mặc dù vẫn có những điều kiện kèm theo nhưng nhìn chung pháp luật Việt Nam cũng đã có những cởi mở hơn với người nước ngoài.

III. Thời hạn sở hữu nhà ở Việt Nam của người nước ngoài

Khi đạt đủ điều kiện hưởng quyền sở hữu nhà ở thì người nước ngoài cũng được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở giống công dân Việt Nam. Cá nhân là người nước ngoài sẽ được hưởng quyền sở hữu nhà ở không quá 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Cho dù cá nhân được hưởng thông qua giao dịch mua bán, tặng cho hay chuyển nhượng,…thì mốc thời hạn đều được quy định như vậy.
Tuy nhiên, người nước ngoài vẫn có thể gia hạn nhưng cần thực hiện trước khi hết hạn sở hữu nhà ở 03 tháng. Cá nhân người nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ xin gia hạn để nộp lên Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở. Hồ sơ gồm có:
– Đơn xin đề nghị gia hạn quyền sở hữu nhà ở.
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (bản sao).
Một điểm lưu ý đối với việc gia hạn này đó là cá nhân nước ngoài chỉ được gia hạn thêm 1 lần nhưng sẽ không quá 50 năm. Trong trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền như chủ sở hữu nhà ở Việt Nam. Trường hợp cá nhân nước ngoài không muốn gia hạn thì khi hết hạn, cá nhân đó vẫn được phép thực hiện các giao dịch như bán, tặng cho.

IV. Quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài

Cá nhân là người nước ngoài không chỉ bị hạn chế về thời hạn mà về quyền sở hữu nhà ở cũng bị hạn chế hơn so với công dân Việt Nam. Cụ thể, đối với các dự án chung cư, cá nhân nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư.
Trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương khu vực hành chính cấp phường nhưng có nhiều tòa chung cư thì cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% số căn hộ của mỗi tòa nhà chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa nhà chung cư này.
Đối với các dự án nhà đất riêng lẻ thì cá nhân là người nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số lượng nhà ở đối với dự án xây dựng nhà ở riêng lẻ dưới 2500 căn. Đối với dự án xây dựng nhà ở riêng lẻ 2500 căn, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 250 căn nhà trong dự án đó. Hai dự án trở lên mà tổng số nhà ở trong các dự án này ít hơn hoặc bằng 2500 căn thì cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% lượng nhà ở của mỗi dự án.
Tóm lại, người nước ngoài hoàn toàn có thể hưởng quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nhưng để đảm bảo tính hợp pháp thì các cá nhân, tổ chức cần phải chú ý thực hiện đúng các quy định mà Luật Nhà ở 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là những vấn đề mà chúng tôi đã đề cập phía trên.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0919881588